Header Ads Widget

Viêm họng mãn tính - Những điều cần lưu ý

Viêm họng mãn tính đề cập đến hiện tượng viêm niêm mạc hầu họng kéo dài hơn 10 ngày. Bệnh có triệu chứng khởi phát âm thầm, dai dẳng, rất khó điều trị dứt điểm và dễ tái phát. Do đó cần kết hợp đồng thời giữa các biện pháp khắc phục và phòng ngừa.

Viêm họng mãn tính là gì? Các thể bệnh thường gặp

Viêm họng mãn tính là tình trạng niêm mạc cổ họng bị viêm kéo dài. Bệnh lý này thường là hệ quả do viêm họng cấp tính không được điều trị kịp thời và tái phát nhiều lần. Ở giai đoạn mãn tính, các triệu chứng của bệnh thường khởi phát chậm và mức độ nhẹ hơn so với bệnh ở giai đoạn cấp. Tuy nhiên viêm họng mãn thường có tính chất dai dẳng, kéo dài, khó điều trị và rất dễ tái phát.

Để chữa trị dứt điểm viêm họng mãn tính, phải kết hợp điều trị triệu chứng với điều trị nguyên nhân. Bên cạnh đó cần phối hợp đồng thời với các biện pháp chăm sóc và dự phòng tái phát.

Dựa vào tổn thương thực thể, bệnh viêm họng mãn tính được chia thành 4 thể sau:

Viêm họng mãn tính xung huyết: Đây là giai đoạn đầu của viêm họng mãn, điển hình bởi tình trạng niêm mạc họng sưng nóng, đỏ và xuất hiện nhiều mao mạch.

Viêm họng mãn tính xuất tiết: Ở thể bệnh này, cổ họng có xu hướng bài tiết nhiều chất nhầy, có màu trong suốt và dính ở thành sau họng. Tương tự thể xung huyết, niêm mạc họng ở thể xuất tiết điển hình bởi triệu chứng đỏ và sưng viêm.

Viêm họng hạt: Còn được gọi là viêm họng mãn tính quá phát. Thể bệnh này đặc trưng bởi sự xuất hiện của các hạt nhỏ ở thành họng (thực chất là hạch lympho), có màu hồng nhạt và không gây đau.

Viêm họng teo: Thể viêm họng teo thường xảy ra ở người mắc bệnh trĩ mũi và người cao tuổi. Đặc điểm của bệnh thể bệnh là tình trạng niêm mạc teo và khô do sự suy giảm hoạt động bài tiết tuyến nhầy.

Triệu chứng của viêm họng mãn tính

Viêm họng mãn tính chủ yếu gây ra các triệu chứng tại chỗ như:

- Đau họng kéo dài – cơn đau có xu hướng kéo dài trong nhiều tuần.

- Có cảm giác vướng/ nghẹn ở cổ họng

- Cổ họng sưng nóng và khô rát

- Ngứa họng

- Ho dai dẳng – có thể kèm theo đờm đặc

- Đau khi nuốt

- Khan tiếng

- Có thói quen khạc đờm do đờm ứ đọng tại cổ họng

- Giảm tiết nước bọt

- Hơi thở hôi

- Đi kèm với triệu chứng ợ hơi, ợ nóng và ợ chua nếu viêm họng mãn tính xảy ra do trào ngược dạ dày

Viêm họng mãn tính ít khi gây sốt, đau đầu và sưng hạch bạch huyết như giai đoạn cấp. Tuy nhiên ở trẻ nhỏ và người sức khỏe yếu, bệnh có thể gây mệt mỏi, chán ăn và suy nhược.

Nguyên nhân gây bệnh viêm họng mãn tính

Viêm họng cấp thường xảy ra do nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Tuy nhiên ở giai đoạn mãn tính, bệnh có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong một số trường hợp, viêm họng có thể là hệ quả của nhiều yếu tố cộng hưởng.

Một số nguyên nhân gây bệnh viêm họng mãn tính thường gặp, bao gồm:

Nhiễm trùng: Viêm họng mãn tính có thể xảy ra do nhiễm trùng virus hoặc vi khuẩn nhiều lần. Một số tác nhân gây nhiễm trùng thường gặp là liên cầu khuẩn hoặc virus cúm, á cúm, virus sởi, bạch hầu,…

Ảnh hưởng của các bệnh hô hấp mãn tính: Viêm họng mãn tính có thể là hệ quả do viêm amidan mãn tính, viêm thanh quản hoặc viêm xoang mãn tính. Các bệnh lý này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Do đó nếu không can thiệp điều trị, viêm họng mãn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp khác.

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): GERD xảy ra khi axit từ dạ dày trào ngược lên vùng cổ họng và thực quản. Theo thời gian, dịch vị dạ dày có thể ăn mòn niêm mạc họng, dẫn đến hiện tượng sưng viêm và đau rát kéo dài.

Dị ứng quanh năm: Dị ứng là một trong những yếu tố làm sưng niêm mạc cổ họng và các cơ quan hô hấp khác. Thông thường, dị ứng chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên ở những trường hợp dị ứng quanh năm, niêm mạc họng có thể bị viêm kéo dài và đau nhức.

Hút thuốc lá: Các chất hóa học có trong khói thuốc có thể kích thích niêm mạc hầu họng và gây viêm kéo dài. Hơn nữa, thói quen này còn gây ra các bệnh lý hô hấp khác như viêm phế quản, viêm phổi, tràn dịch màng phổi, lao phổi,…

Một số nguyên nhân khác: Ngoài ra viêm họng mãn tính còn có thể xảy ra do thói quen lạm dụng rượu bia, giao tiếp trong thời gian dài, sinh sống trong môi trường ô nhiễm hoặc có các cấu trúc hô hấp bất thường (vẹo vách ngăn mũi).

Viêm họng mãn tính có nguy hiểm không?

Viêm họng mãn tính gây ra các triệu chứng có mức độ nhẹ và tiến triển chậm. Tuy nhiên bệnh có tính chất dai dẳng và rất khó điều trị dứt điểm. Ở những trường hợp không xử lý kịp thời, bệnh có thể kéo dài và gây ra các biến chứng như:

Áp xe thành họng: Áp xe thành sau họng là tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng, dẫn đến hiện tượng hình thành ổ mủ (áp xe). Biến chứng này thường gây nghẹt mũi kéo dài, sốt cao (39 – 40 độ C), da xanh tái, ho có đờm, chảy nước mũi có màu vàng xanh,…

Gây viêm ở các cơ quan hô hấp trên: Tình trạng viêm họng kéo dài có thể gây viêm sưng ở các cơ quan lân cận như amidan, thanh quản, mũi, xoang,… Ngoài ra hiện tượng cổ họng sưng viêm còn làm tăng nguy cơ tắc ống Eustachian và gây bệnh viêm tai giữa.

Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Triệu chứng đau họng, khó nuốt, vướng víu,… có thể ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống và giao tiếp. Hơn nữa viêm họng kéo dài còn gây hôi miệng, tạo tâm lý thiếu tự tin trong cuộc sống hằng ngày.

Viêm họng mãn tính là bệnh hô hấp phổ biến, có thể xảy ra ở trẻ nhỏ, người trưởng thành và người già. Mặc dù là bệnh thường gặp nhưng viêm họng có khả năng phát sinh biến chứng nếu không chăm sóc và điều trị kịp thời. Vì vậy khi nhận thấy triệu chứng kéo dài hơn 5 ngày, nên chủ động tìm gặp bác sĩ để tiến hành chẩn đoán và khắc phục.

Chẩn đoán bệnh viêm họng mãn tính

Viêm họng mãn tính chủ yếu được chẩn đoán thông qua triệu chứng lâm sàng (triệu chứng tại chỗ và toàn thân). Bên cạnh đó, bác sĩ có thể dùng đèn quan sát biểu hiện của niêm mạc cổ họng để xác định thể bệnh.

Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định một số kỹ thuật cận lâm sàng như:

X-Quang phổi: Hình ảnh từ tia X cho phép bác sĩ quan sát biểu hiện của phổi và chẩn đoán phân biệt với các bệnh hô hấp khác như viêm phế quản, lao phổi,….

Nội soi thanh quản: Nội soi là thủ thuật chẩn đoán và điều trị phổ biến. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi nhỏ có chứa camera, đưa sâu vào cổ họng và thanh quản. Hình ảnh từ camera giúp bác sĩ xác định thể bệnh và biểu hiện của một số cơ quan lân cận như thanh quản, thực quản và thành họng.

Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện nếu nghi ngờ viêm họng mãn tính xảy ra do dị ứng. Nếu xảy ra do nguyên nhân này, nồng độ kháng nguyên (IgE) trong huyết tương thường có xu hướng tăng cao đáng kể.

Các xét nghiệm khác: Ở những trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm khác nhằm chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.

Các biện pháp chăm sóc bệnh viêm họng mãn tính

Bên cạnh việc sử dụng thuốc và can thiệp các biện pháp xâm lấn theo chỉ định của bác sĩ, bạn có thể cải thiện triệu chứng của bệnh với một số biện pháp chăm sóc như:

Uống nước ấm giúp bổ sung chất lỏng cho cơ thể, cân bằng nồng độ điện giải, làm dịu cổ họng và giảm đau rát.

Nên cai thuốc lá, hạn chế dùng rượu bia và các thực phẩm gây kích thích cổ họng như thức ăn chứa nhiều gia vị, dầu mỡ, khô cứng,…

Bổ sung một số loại gia vị tự nhiên có đặc tính kháng sinh như gừng, nghệ, thìa là, tỏi,… vào chế độ ăn hằng ngày.

Người bị viêm họng mãn tính do trào ngược dạ dày nên điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt nhằm kiểm soát bệnh và giảm thiểu các triệu chứng ở cổ họng.

Sử dụng máy lọc không khí và vệ sinh không gian sống thường xuyên giúp hạn chế nguy cơ bị viêm họng do dị ứng.

Dành thời gian nghỉ ngơi và giữ ấm cơ thể có thể giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.

Phòng ngừa viêm họng mãn tính tái phát bằng cách nào?

Viêm họng mãn tính có thể tái phát khi thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể mệt mỏi, hệ miễn dịch suy yếu,… Do đó sau khi bệnh được kiểm soát, bạn nên thực hiện một số biện pháp nhằm giảm nguy cơ tái phát.

Chải răng và súc miệng với nước muối thường xuyên không chỉ giữ sức khỏe răng miệng mà còn hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa các bệnh lý hô hấp trên.

Kiểm soát và tích cực điều trị các bệnh lý gây viêm họng như trào ngược dạ dày thực quản, viêm amidan, viêm thanh quản,…

Xây dựng lối sống lành mạnh nhằm nâng cao thể trạng và sức đề kháng.

Vệ sinh nhà cửa, trồng nhiều cây xanh và dùng máy lọc không khí.

Giữ ấm cơ thể và hạn chế di chuyển ngoài trời khi thời tiết chuyển lạnh.

Tránh la hét, hút thuốc lá và bổ sung các thực phẩm gây kích thích niêm mạc cổ họng.

Viêm họng mãn tính là bệnh hô hấp thường gặp, có tính chất dễ tái phát và dai dẳng. Để kiểm soát triệu chứng của bệnh, nên tích cực trong quá trình điều trị và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Nguồn: TenMienNgon.com