Header Ads Widget

Polyp mũi: Nhận biết và phương pháp điều trị

Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và ô nhiễm không khí khiến các căn bệnh đường hô hấp ngày càng gia tăng tại Việt Nam, đặc biệt là polyp mũi. Với tỷ lệ mắc từ 1% – 4%, polyp mũi là khối u lành tính thường gặp trong hốc mũi, vì vậy mà nhiều người thường chủ quan, trì hoãn thăm khám và điều trị. Tuy nhiên căn bệnh này có thể gây biến chứng và làm nặng thêm các bệnh viêm mũi, viêm xoang khác. Khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Chủ động tìm hiểu các thông tin về bệnh là “chìa khóa” giúp phòng bệnh hiệu quả và chữa trị đúng cách.

Polyp mũi là gì?

Theo Tổ chức dị ứng thế giới (WAO): đây là một bệnh viêm mãn tính của màng nhầy trong mũi và xoang cạnh mũi biểu hiện dưới dạng khối nhẵn, sền sệt, bán nguyệt, hình tròn hoặc hình quả lê của niêm mạc bị viêm vào mũi. Polyp mũi không phải là một thực thể bệnh đơn lẻ, mà thường liên quan đến hen suyễn và các bệnh về đường hô hấp khác.

Đối tượng nào dễ bị mắc bệnh?

Tỷ lệ mắc bệnh từ 1 – 4% và phổ biến hơn ở người lớn. Tỷ lệ này tăng lên theo độ tuổi và cao nhất ở 40 – 60 tuổi (Thông tin từ Trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm TP.HCM). Bệnh nhân đang có các triệu chứng hen suyễn, viêm mũi, viêm xoang mãn, xơ nang, hội chứng Churg-Strauss… cũng rất dễ bị polyp. 

Polyp mũi là những khối mềm, không đau, không phải ung thư, hình thành do quá trình viêm lâu dài của niêm mạc mũi xoang và xuất hiện ở những xoang phía trên dẫn lưu về mũi (nơi mắt, mũi, xơng gò má gặp nhau). Do đó, người bệnh thường khó phát hiện do chúng không gây bất kỳ cảm giác đau đớn hay khó chịu nào. 

Nguyên nhân gây bệnh polyp mũi

Bệnh là kết quả của sự viêm nhiễm phù nề trong một khoảng thời gian dài dẫn đến hiện tượng thoái hoá đa ổ của niêm mạc mũi xoang. 

Niêm mạc là một lớp lót bên trong mũi, có chức năng bảo vệ các xoang cũng như làm ẩm không khí hít vào. Khi bị kích thích do viêm hoặc dị ứng, niêm mạc mũi trở nên sưng và đỏ và có thể gây sổ mũi. Nếu bị kích thích kéo dài có thể hình thành polyp mũi.

Polyp mũi hình thành từ lớp niêm mạc của mũi hoặc của các xoang (4 khoang trống trên và sau mũi), thường do hậu quả của viêm mũi dị ứng, viêm xoang mạn tính không được điều trị triệt để hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các vi nấm.

Viêm mạn tính khiến các mạch máu ở niêm mạc mũi xoang tăng tính thấm tạo điều kiện cho nước tích tụ trong các tế bào. Theo thời gian, trọng lực sẽ kéo các mô ứ nước này xuống dưới, hình thành các polyp. Có thể có một hoặc nhiều polyp, từng chùm như chùm nho, thường mềm và có ánh ngọc trai, đặc như thạch. 

Mặc dù trong một số trường hợp, polyp mũi có thể phát triển mà người mắc bệnh không có vấn đề nào về mũi trước đó. Tuy nhiên, chúng thường đến từ các tác nhân như sau:

- Viêm xoang mãn tính hay tái phát: Tình trạng viêm niêm mạc mũi xoang với các triệu chứng đau nhức âm ỉ vùng mặt, ngạt mũi, ngửi kém, ho và khịt khạc đờm… không được chữa trị tích cực sẽ hình thành những thương tổn tại mũi xoang, điển hình là polyp.

- Hen suyễn: Đây là một bệnh viêm dị ứng của đường hô hấp phổ biến và đang ngày càng có xu hướng gia tăng tại nhiều thành phố lớn ở nước ta và rất dễ dễ đi kèm với polyp mũi. Mối liên quan giữa polyp mũi với hen suyễn được ghi nhận từ 7 – 20%.

- Viêm mũi xoang dị ứng: Biến chứng của căn bệnh này không chỉ dừng lại ở việc làm nặng thêm các bệnh dị ứng khác mà còn dễ dẫn đến viêm mũi xoang mạn tính, polyp mũi và viêm thanh khí phế quản… và cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tái phát polyp mũi.

- Xơ nang, rối loạn di truyền có kết quả trong sản xuất và tiết ra chất dịch bất thường, bao gồm cả chất nhầy từ màng mũi và xoang.

- Hội chứng Churg – Strauss: một căn bệnh hiếm gặp gây ra các viêm mạch máu.

- Nhạy cảm với các thuốc kháng viêm phi steroid (NSAIDs), là một đáp ứng giống như dị ứng với các thuốc kháng viêm như ibuprofen hoặc aspirin.

- Bệnh cũng có thể có khuynh hướng di truyền do các gen gây ra đáp ứng của niêm mạc mũi với các tác nhân gây viêm.

Triệu chứng của polyp mũi

Tổ chức dị ứng thế giới (WAO) cho biết: Các triệu chứng ban đầu của bệnh là tắc nghẽn mũi, nghẹt mũi, giảm âm hoặc anosmia và nếu liên quan đến viêm xoang mạn tính, chảy nước mũi có mủ. Các triệu chứng thứ phát bao gồm nhỏ giọt sau mũi, chảy nước mũi, đau mặt, nhức đầu, rối loạn giấc ngủ và giảm chất lượng cuộc sống.

Polyp mũi thường diễn biến theo các giai đoạn và mức độ khác nhau:

- Mức độ 1: polyp nhỏ, mềm và nằm gọn trong vùng khe giữa mũi, chỉ có thể phát hiện thông qua nội soi.

- Mức độ 2: polyp có kích thước vừa và đã chiếm hết khe giữa mũi.

- Mức độ 3: polyp to, lấp hết lỗ mũi, người bệnh thường bị nghẹt thở, khó khăn trong việc ngửi, có thể thấy được khi lấy tay nâng mũi lên và soi gương.

- Mức độ 4: polyp phình to quá mức và lấp kín hốc mũi, polyp ló đến cửa lỗ mũi, bệnh nhân có thể nhìn thấy được rõ ràng. Do bị chèn ép, ma sát người bệnh thường dùng tay ngoáy mũi, polyp lúc này không còn màu hồng, chỉ thấy bóng và hơi đục nên rất dễ bị lầm tưởng là thịt thừa.

Các biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời

Trường hợp polyp có kích thước nhỏ, đơn độc thường sẽ không có biến chứng cũng như ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe bệnh nhân. Ngược lại, polyp phát triển lớn hoặc xuất hiện nhiều tại khe mũi, hốc mũi sẽ làm cản trở sự lưu thông khí qua mũi, gây nghẹt mũi liên miên, chảy mũi, giảm mùi và có thể kéo theo nhiều biến chứng khó lường. 

- Về lâu dài sẽ gây tình trạng hốc mũi bị giãn rộng do polyp lòi ra cửa mũi trước, thòng vào cửa mũi sau, phá hỏng xương hốc mũi làm xương hốc mũi mỏng như vỏ quả bóng bàn. Lấy tay ấn vào có hiện tượng lõm, còn khi bỏ tay ra thành xương lại bật lên. Hình dạng hốc mũi sẽ bị thay đổi, làm cho mũi không còn chiều cao.

- Hội chứng ngưng thở: Nếu kích thước polyp mũi quá lớn sẽ chèn ép trực tiếp lên đường dẫn lưu, gây ra tình trạng nghẹt và khó thở. Thậm chí, có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân do tình trạng ngưng thở đột ngột.

- Chức năng khứu giác giảm: Trường hợp xuất hiện nhiều khối polyp nhỏ hay polyp phát triển lớn rất dễ che lấp đường thở và làm giảm đi chức năng của khứu giác. Nếu người bệnh chủ quan, để bệnh kéo dài sẽ khó nhận biết mùi vị và nguy hiểm hơn là mất khứu giác khó có cách hồi phục.

- Gây viêm tai giữa: Bệnh có thể biến chứng sang viêm tai giữa, khiến chức năng nghe bị giảm sút . Nguy hiểm hơn, bệnh có thể dẫn đến tử vong bất cứ lúc nào nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời.

- Viêm xoang: Bệnh gây ra tình trạng viêm xoang cấp tính hoặc mãn tính khác nhau.

- Cấu trúc gương mặt bị mất cân đối vì polyp mũi khiến cho hai mắt cách xa nhau hoặc song thị (nhìn đôi). Tuy biến chứng này ít xuất hiện nhưng sẽ đặc biệt nguy hiểm đối với các bệnh nhân mắc bệnh xơ nang phổi và không tiến hành phẫu thuật cắt bỏ kịp thời.

- Phẫu thuật điều trị polyp mũi tiềm ẩn nguy cơ chảy máu mũi, nhiễm trùng mũi. Tiếp tục điều trị bằng corticoid dạng xịt hoặc dạng uống có thể làm giảm sức chống đỡ với viêm xoang. 

Điều trị polyp mũi như thế nào?

Vì bệnh có các triệu chứng gần giống như viêm mũi, viêm xoang hoặc cảm cúm,… nên sẽ rất khó để nhận biết. Tuy nhiên các triệu chứng của cảm cúm thường sẽ hết sau 1 – 2 tuần trong khi các triệu chứng của polyp thường sẽ kéo dài. Khi đó người bệnh cần đến khám ở các cơ sở y tế để phát hiện kịp thời và có chỉ định điều trị thích hợp.

Để chẩn đoán có thể được thực hiện bằng lịch sử, kiểm tra lâm sàng, X quang, nội soi mũi và xét nghiệm bổ sung cho dị ứng, độ nhạy aspirin, vi khuẩn học và xét nghiệm chức năng phổi.

- Polyp có thể được nhìn thấy qua soi mũi thông thường. Nhưng nếu polyp nằm sâu trong xoang, bác sĩ có thể cần tiến hành nội soi mũi.

- Chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ giúp xác định chính xác kích thước và vị trí của polyp cũng như phát hiện các dị tật cấu trúc hoặc ung thư.

- Test dị ứng nhằm xác định yếu tố gây viêm mũi kéo dài.

- Đối với các polyp mũi xuất hiện ở trẻ nhỏ, các xét nghiệm những bệnh lý về gen ví dụ như bệnh xơ nang, có thể cần thiết.

2 phương pháp thường sử dụng trong điều trị polyp mũi là dùng thuốc và phẫu thuật. Trước khi quyết định can thiệp ngoại khoa, người bệnh có thể được áp dụng các cách làm teo khối polyp. Điều trị bằng thuốc được chỉ định trong những trường hợp mới phát hiện polyp, polyp còn nhỏ… Chỉ đến khi polyp phát triển lớn, gây bít tắc đường thở hay đã có các biến chứng ở mũi xoang, người bệnh mới được chỉ định phẫu thuật để điều trị. Loại phẫu thuật được lựa chọn sẽ tùy thuộc vào kích thước polyp.

Cắt polyp

Đối với các polyp nhỏ và đơn độc, bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ dễ dàng bằng một dụng cụ cơ học nhỏ để hút hoặc một máy vi cắt lọc (microdebrider). Kỹ thuật này gọi là cắt polyp mũi, được thực hiện ngoại trú. Sau khi tiến hành phẫu thuật cắt bỏ, phải điều trị tình trạng viêm kèm theo, thường bác sĩ sẽ cho dùng thuốc xịt mũi có chứa corticosteroid và đôi khi phải dùng đến thuốc kháng sinh và cả thuốc corticosteroid đường uống để hỗ trợ điều trị.

Nội soi xoang

Nội soi xoang (Endoscopic sinus surgery) áp dụng với các trường hợp polyp lớn, không chỉ cắt polyp mà còn giúp mở cả phần xoang, nơi các polyp mũi hình thành. Nếu xoang bị nghẹt và viêm thì cần mở rộng thêm cả hốc xoang. Trong cả hai trường hợp, bác sĩ sử dụng ống nội soi để tiến hành phẫu thuật. Kỹ thuật này thường rất ít gây đau đớn, bởi chỉ tạo ra vết thương mổ nhỏ nên sẽ ít đau và mau lành hơn so với các kiểu phẫu thuật khác. Mặc dù vậy, việc phục hồi hoàn toàn sau khi phẫu thuật cũng phải mất đến vài tuần. 

Sau phẫu thuật, giảm viêm bằng thuốc xịt mũi, các thuốc chống dị ứng và rửa mũi bằng nước muối sinh lí có thể phòng ngừa polyp phát triển.

Theo thông tin từ Viện Y học ứng dụng Việt Nam: Với điều trị ngoại khoa, hầu hết các triệu chứng đều tốt lên đáng kể. Thậm chí dù phẫu thuật thì polyp mũi cũng có thể phát triển trở lại với tỉ lệ 15% ở những bệnh nhân bị vấn đề về mũi mạn tính. 

Chi phí phẫu thuật mổ polyp mũi hết bao nhiêu tiền?

Hiện tại có rất nhiều phương pháp phẫu thuật như: Phẫu thuật nội soi, phẫu thuật cắt bỏ polyp đơn thuần, phẫu thuật bằng công nghệ IPC của Mỹ… Tùy thuộc vào phương pháp phẫu thuật, chi phí phẫu thuật sẽ thay đổi.

Ngoài ra chi phí cắt polyp mũi còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, mức độ phát triển bệnh lý, mức độ nguy hiểm của bệnh đến sức khỏe… Do đó, người bệnh nên trực tiếp đến các cơ sở uy tín, các bệnh viện lớn để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám đồng thời tư vấn phương pháp phẫu thuật để có thể dự trù được chi phí phẫu thuật.

Phương pháp phòng ngừa

Chỉ cần áp dụng một số quy tắc nhỏ dưới đây sẽ có thể giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc polyp mũi, ngăn ngừa bệnh tái phát và đồng thời hỗ trợ kiểm soát tốt các triệu chứng nếu không may mắc bệnh: 

- Tránh xa các tác nhân kích thích như ô nhiễm, khói bụi, phấn hoa… vì các chất kích thích này khiến cho tình trạng viêm nặng hơn

- Điều trị dứt điểm các bệnh hen suyễn hay dị ứng

- Giữ vệ sinh mũi bằng cách thường xuyên rửa tay, chống lây nhiễm vi khuẩn, vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý,…

- Giữ độ ẩm cho môi trường xung quanh, đặc biệt là trong nhà để cải thiện tình trạng hô hấp ở các xoang, tránh tắc nghẽn và viêm

- Khi tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi kéo dài cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa tai – mũi – họng khám và điều trị

Nguồn: TenMienNgon.com